Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của Công ty CBRE Việt Nam, đã đưa ra nhận định trên tại buổi hội thảo “Tiềm năng & cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản” do Tạp chí Thương gia phối hợp với Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.
Bà Dung lấy quận 1 làm ví dụ, cho biết giá đất trung bình dao động từ 10.000 – 50.000 USD (khoảng 232 triệu – 1,15 tỉ đồng)/m2, thậm chí có những dự án lên đến 70.000-80.000 USD (khoảng 1,6-1,8 tỉ đồng)/m2. Trong khi cách đây hai năm, mức giá ghi nhận được chỉ 30.000 USD (khoảng 696 triệu đồng)/m2. Điều này cho thấy giá đất đã tăng lên rất nhanh.
“Với nhà đầu tư, chỉ cần chậm giấy tờ, pháp lý thì chi phí vốn bị đội lên rất cao. Từ đó, giá bán sản phẩm cũng sẽ bị đẩy lên. Tại các khu vực quận 1, quận 2 và quận 9, giá đất đang tăng mạnh”, bà Dung cho biết.
Bên cạnh giá đất, thị trường TP.HCM cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề như ngập lụt, kẹt xe, hạ tầng chậm tiến độ. Gần đây nhiều công ty bán “dự án ma” bị phát hiện cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người mua. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng là thách thức khó giải quyết.
Cũng theo bà Dung, một trong những vấn đề đáng quan ngại nữa là trong rổ hàng sản phẩm thiếu căn hộ bình dân dành cho những người có thu nhập thấp. Dù căn hộ cho người có thu nhập trung bình đã và đang mở rộng, nhưng trong tổng số 20 dự án đã mở bán trong năm 2019 không có dự án nào dành cho người có thu nhập thấp (giá bán dưới 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng)/m2).
Theo bà Dung, đây là một thách thức lớn và khó giải quyết trong bối cảnh giá đất đang ngày càng tăng và cơ sở hạ tầng không được cải thiện.
“Muốn phát triển nhà cho người có thu nhập thấp cần có quỹ đất với giá vừa phải. Muốn làm được như vậy, nhiều doanh nghiệp phải đi xa thành phố nhưng cơ sở hạ tầng hiện tại chưa hỗ trợ được việc người mua có thể di chuyển ra xa thành phố để có thể sở hữu nhà” bà Dung phát biểu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cùng quan điểm, cho biết trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và Nhà ở xã hội.
Sự sụt giảm này đã dẫn đến giá nhà đất tăng, làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
Theo ông Châu, thị trường bất động sản thành phố hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Thuduc House, nhận định hiện các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải nhiều khó khăn do quy định chồng chéo, khiến cho nguồn cung bất động sản giảm. Điều này tạo ra áp lực tăng giá trong thời gian tới.
Đối với thị trường nhà liền thổ, sau rất nhiều sai phạm của các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua, khách hàng ngày càng dè dặt, quan tâm chặt chẽ đến tính pháp lý của dự án, nhiều trường hợp phải nhờ đến luật sư trong các giao dịch.
“Các doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc cũng bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng của khách hàng. Không những thế, chính quyền địa phương cũng trở nên cẩn trọng hơn trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến thủ tục đất đai, đã tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, nguồn cung thị trường nhà liền thổ theo đó cũng bị hạn chế”, ông Chinh cho biết.
Gần đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đã ban hành công văn yêu cầu thắt chặt quản lý việc phân lô tách thửa trên địa bàn thành phố cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường này.
Theo Thanh Thịnh – Cafeland.vn