Các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1%, dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.
Ngày 6/10, các hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Dệt may, Thủy sản, Da giày – Túi xách, Điện tử, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã có Công văn 06102020/HHDN gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ về những kiến nghị cho việc sửa đổi Dự thảo Luật công đoàn.
Cả 8 hiệp hội, ngành hàng đồng loạt kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động; Giảm tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Theo các Hiệp hội, đề xuất của họ dựa trên một loạt các lý do, cho rằng hiện không có sự đồng nhất giữa Luật Ngân sách nhà nước và Luật Công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn. Tổng Liên đoàn là tổ chức chính trị – xã hội, do vậy, kinh phí hoạt động của hệ thống công đoàn thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước.Trong khi đó, Luật Công đoàn lại yêu cầu người sử dụng lao động đóng phí công đoàn.
Ngay từ tên gọi của khoản thu này “Kinh phí công đoàn” đã cho thấy đây là trách nhiệm của Ngân sách nhà nước chứ không phải là trách nhiệm của người sử dụng lao động, các hiệp hội doanh nghiệp lập luận.
Quan điểm của các Hiệp hội cho rằng, việc DN đóng thuế, tức là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước, nếu phải trích nộp thêm kinh phí công đoàn, nghĩa là DN phải đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH của doanh nghiệp.
Về việc dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động, theo các hiệp hội, hiện tại, mức phân bổ kinh phí công đoàn đang được phân bổ là 69% tổng số thu kinh phí công đoàn do công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp sử dụng; 31% tổng số thu kinh phí công đoàn nộp công đoàn cấp trên.
Tuy nhiên, theo Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đang tồn tại những vấn đề về, đó là nhu cầu chi ở cấp cơ sở cao, kinh phí chưa đủ đáp ứng, và không có thu khác từ tổ chức công đoàn tích lũy, trong khi các cơ quan công đoàn cấp trên, nhu cầu sử dụng thấp, dẫn đến thừa nguồn, tăng tích lũy cuối kỳ, do đó, công đoàn cấp dưới bị hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động.
Chi lương phụ cấp và quản lý hành chính chiếm tới 20.200 tỷ đồng, gần 26,3% tổng chi công đoàn, đồng nghĩa với việc cứ chi cho người lao động 1 đồng lại mất 0,5 đồng chi lương và hành chính. So sánh với cùng cơ quan quản lý hành chính thì định mức chi cho cán bộ công đoàn cao hơn rất nhiều so với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước khác (chỉ từ 43,7 – 60,7 triệu đồng), tức là hơn từ 500% tới cả nghìn %…
Vì vậy, các hiệp hội kiến nghị, kinh phí công đoàn phải được dùng để chăm lo đời sống cho người lao động, đầu tư vào các hoạt động cho người lao động; không được dùng kinh phí công đoàn làm kinh phí hoạt động của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, bởi việc đảm bảo kinh phí hoạt động này thuộc về ngân sách nhà nước, đã được quy định rõ trong Luật Ngân sách nhà nước. Khoản tiền này cũng không nên được tiếp tục gọi là kinh phí công đoàn vì nó sẽ tạo ra sự nhầm lẫn và mâu thuẫn về mục đích ý nghĩa của khoản thu như đã nêu trên.
Theo Báo đầu tư