Mobile Money: Nhân tố mới cho bài toán không dùng tiền mặt?

Với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng nóng dần lên, ngoài việc thanh toán bằng thẻ hay ví điện tử, người tiêu dùng cũng đang bắt đầu làm quen với cái tên “Mobile Money”. Và lẽ đương nhiên, câu chuyện về những tiện ích hay hạn chế xoay quanh việc triển khai phương thức thanh toán này sẽ còn kéo dài…

Vì sao người Việt vẫn chưa thay đổi được thói quen dùng tiền mặt?

Nhu cầu sinh hoạt của người dân Việt Nam chính là nguồn gốc cơ bản khiến chúng ta vẫn còn giữ thói quen dùng tiền mặt.

Có thể thấy, hầu hết các công ty đều chi trả lương cho nhân viên qua tài khoản ngân hàng và gần như toàn bộ người Việt chúng ta sau khi nhận lương đều phải tự rút tiền mặt để chi tiêu trong những trường hợp khẩn cấp như đổ xăng, ăn uống, gửi xe, mua sắm… Đó là những hoạt động rất thường nhật không thể thiếu việc sử dụng tiền mặt. Bởi hiện tại, việc trang bị tất cả các phương tiện thanh toán điện tử tại các cửa hàng nhỏ lẻ này là không mấy khả thi.

Và ngay cả việc mua hàng qua mạng của người dân cũng đã trở nên quen thuộc và đều ưa chuộng phương thức thanh toán “tiền trao, cháo múc” (COD – Cash On Delivery) hơn là chuyển khoản bởi phương thức thanh toán này sẽ tạo cảm giác an tâm hơn cho người mua hàng vì đa phần ai cũng có tâm lý “trả tiền rồi nhưng không nhận được hàng thì sao?”.

Lợi ích từ thanh toán không dùng tiền mặt

Khi việc thanh toán không có sự xuất hiện của tiền mặt, tất cả các giao dịch trong nền kinh tế đều được thanh toán bằng tiền điện tử và việc kiểm soát lượng tiền trong lưu thông sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tạo cơ sở cho Ngân hàng Nhà nước điều tiết và kiểm soát lượng tiền đi vào lưu thông, từ đó có các chính sách phù hợp với tình hình và diễn biến thực tế của nền kinh tế.

Đồng thời, với việc quản lý tiền điện tử trong tài khoản, các giao dịch cũng sẽ minh bạch, an toàn và nhanh chóng hơn, giúp giảm bớt chi phí kiểm đếm, in ấn tiền cũng như tránh được các rủi ro phát sinh về tiền giả, nguy cơ trộm, cắp, rửa tiền, tham nhũng cũng được giảm tối thiểu.

Bên cạnh đó, với vai trò là trung gian tài chính cho việc thanh toán, các ngân hàng có thể thu thập được các thông tin về doanh nghiệp và sự dịch chuyển vốn trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho việc thẩm định các dự án đầu tư được tốt hơn.

Mobile Money là gì?

Mặc dù từ đầu năm đến nay, “Mobile Money” đã trở thành cái tên bùng nổ trên các phương tiện thông tin nhằm dẫn dắt người dùng quen dần với loại hình thanh toán không dùng tiền mặt mới. Nhưng có lẽ, vẫn còn rất nhiều người dùng chưa hiểu rõ khái niệm cũng như bản chất của Mobile Money.

Mobile Money còn được gọi là tiền điện tử trên thuê bao di động. Bản chất của dịch vụ Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử. Hình thức này tương tự như thẻ ATM, khi khách hàng nộp tiền mặt để nhận được một khoản tiền điện tử có giá trị tương đương.

Nghe đến Mobile Money, chúng ta có thể dễ dàng hình dung công cụ được sử dụng để thanh toán chính là chiếc điện thoại di động quen thuộc.

Tiền được dùng để thanh toán các giao dịch, chi tiêu hằng ngày sẽ được người dùng nạp vào điện thoại di động theo nguyên tắc 1:1 nhằm mục tiêu không làm tăng lượng tiền, tức là 1 đồng có trong tài khoản di động được thể hiện bằng với 1 đồng mà chúng ta đã nạp vào.

Hiểu nôm na như cách mà chúng ta nạp tiền điện thoại để gọi điện, nhắn tin nhưng thay vì được cộng thêm 20% trên số tiền đã nạp vào tài khoản di động mỗi khi có chương trình khuyến mãi, thì tiền trong tài khoản của phương thức thanh toán này sẽ không được ghi nhận như vậy.

Sau khi nạp tiền vào điện thoại, người dùng sẽ có thể dễ dàng thanh toán các chi tiêu, mua sắm hằng ngày bằng cách chuyển và nhận tiền bằng điện thoại mà không cần phải có tài khoản ngân hàng.

Mobile Money sẽ là lời giải cho bài toán không dùng tiền mặt của người Việt?

Đánh giá về việc sắp triển khai Mobile Money tại Việt Nam, TS. LS. Bùi Quang Tín – chuyên gia kinh tếnhận định: “Việc này là cần thiết, nó giúp cho mảng cung cấp dịch vụ tài chính của hệ thống ngành tài chính Việt Nam ngày càng phát triển bởi vì bản chất của Mobile Money là cung cấp các dịch vụ tài chính trên hệ thống điện thoại di động nên đây không phải là vấn đề ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước, hay các vấn đề cung ứng tiền cũng như các vấn đề pháp luật, quản lý trong hệ thống tài chính của Việt Nam mà nó sẽ giúp cho hệ thống dịch vụ tài chính của Việt Nam ngày càng phát triển.

Đồng thời, Mobile Money sẽ giúp hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong người dân tại các vùng nông thôn vì hệ thống ngân hàng cũng như các dịch vụ tài chính ngân hàng như máy POS, máy ATM vẫn chưa phát triển nhiều và chưa được tập trung đầu tư ở những vùng quê xa xôi.

Và bây giờ, việc triển khai Mobile Money với sự tham gia của các nhà mạng lớn và dần dần cũng sẽ có sự tham gia của các nhà mạng nhỏ khi hệ thống đã phát triển và môi trường pháp luật đầy đủ hơn, thì đây rõ ràng rất có lợi cho nhiều bên. Người dân cũng có lợi khi được cung cấp và trải nghiệm thêm các dịch vụ về tài chính.

Với những người từ trước giờ ít tiếp xúc các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng và các công ty tài chính thì bây giờ họ sẽ có điều kiện sử dụng được các dịch vụ trong vấn đề quản lý tiền, cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ ngày càng tốt hơn.

Về phía các nhà mạng sẽ có thêm các sản phẩm dịch vụ và đặc biệt là thêm các nguồn thu. Về phía Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu thuế, từ đó giúp cho hoạt động của ngành tài chính sẽ phát triển hơn nữa.”

Theo đánh giá của TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế: “Mobile Money chính là tương lai, mặc dù thẻ tín dụng tất nhiên vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng, nhưng những người dân ở vùng nông thôn sẽ ít sử dụng máy POS, ATM trong khi đa phần đều có smart phone. Đây chính là ứng dụng đáp ứng cho số đông người Việt Nam.”

Sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức cho Mobile Money

Theo TS.LS Bùi Quang Tín: “Khó khăn lớn nhất của việc thực hiện Mobile Money chính là việc không kết nối với tài khoản ngân hàng. Vì vậy mà việc quản lý của các đơn vị cung cấp dịch vụ này rất cần phải có hạ tầng công nghệ và phải đảm bảo tính bảo mật cao. Bởi vì bản chất của hoạt động này liên quan đến tiền, vấn đề chuyển tiền và quản lý tiền trên tài khoản di động rất cần phải có cơ chế bảo mật tốt, và cần phải có sự hỗ trợ tốt từ phía các nhà mạng. Ngoài ra, đây là dịch vụ về thanh toán nên phải có sự nỗ lực nâng cấp về công nghệ, hạ tầng, và đặc biệt là cách thức quản lý, quản trị để làm sao có thể cung ứng dịch vụ tốt nhất cho người dân.”

Chắc chắn Mobile Money sẽ là sản phẩm dịch vụ cạnh tranh trực tiếp dịch vụ thanh toán của ngân hàng và ví điện tử của các công ty thanh toán hiện nay đang áp dụng. Nhưng điều này sẽ tốt cho thị trường tài chính Việt Nam và lợi thế lớn nhất của các nhà mạng là họ có được mạng lưới phủ sóng khắp nơi, người dân chỉ cần có một chiếc điện thoại di động, thậm chí là một chiếc điện thoại “cùi bắp” thì chúng ta vẫn có thể sử dụng được dịch vụ thanh toán của các nhà mạng này. Hơn nữa, lợi thế lớn nhất chính là có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi, không nhất thiết phải cần có ATM hay là máy POS với công nghệ hiện đại như Internet Banking và tài khoản ngân hàng. Giờ đây, chúng ta chỉ cần có mã số điện thoại di động thì vẫn có thể thực hiện được các dịch vụ thanh toán.

Ái Minh

FILI