Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản 2019” do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức tại TP.HCM sáng 11/12/2018.
Nền tảng kinh tế ổn định
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết bối cảnh kinh tế Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Cụ thể, 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức tốt. Cho đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% cho năm 2018 hoàn toàn có thể đạt được.
Cải cách cũng đang bước vào giai đoạn mới, với cuộc cách mạng chưa từng có là yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Và đến 31/10 thì yêu cầu này đã hoàn thành trên văn bản. Nếu đi vào thực thi thật tốt sẽ cởi trói cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng được cải thiện. Việt Nam đang đứng thứ 4 ASEAN về môi trường kinh doanh, thứ 6 về năng lực cạnh tranh.
Những cải thiện này đã tác động đáng kể đến việc thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, 11 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 30,8 tỉ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017. Giải ngân vốn FDI cũng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017.
“Đây là một điểm cần được nhấn mạnh trong năm nay. Trong bối cảnh tế thế giới có nhiều bất ổn thì dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tốt. Điều này phản ánh những đánh giá tích cực trong môi trường đầu tư ở Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Thiên nói và cho biết thêm, trong dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam, tỷ trọng đầu tư bất động sản tăng lên đóng góp khá lớn vào thị tường bất động sản.
“Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn dòng ngoại không chỉ từ Trung Quốc mà từ nhiều quốc gia khác. Nguyên nhân là các nhà đầu tư nhận thấy chi phí tại Việt Nam rất cạnh tranh, khả năng thu lợi cao”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Dù lạc quan, song ông Thiên cũng lưu ý đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng cũng sẽ tác động lớn đến Việt Nam. Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, đồng thời nhập siêu nguyên liệu từ Trung Quốc. Khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu của Trung Quốc có thể thúc đẩy hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Việt Nam. Dù vậy, cuộc chiến tranh thương mại này có khả năng tạo đột phá rất lớn cho Việt Nam nếu các doanh nghiệp biết tận dụng thời cơ.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam, cho biết thị trường đang ghi nhận sự dịch chuyển các công ty Trung Quốc và các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam. Dù xu hướng này đã diễn ra trước đây nhưng sau khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại thì dịch chuyển nhanh hơn.
Tương lai nào cho bất động sản 2019?
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng trên nền tảng kinh tế có nhiều lạc quan, diễn biến thị trường bất động sản năm 2018 ổn định, bức tranh bất động sản 2019 có khá nhiều điểm sáng.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, cho biết đến thời điểm hiện tại có thể nói, thị trường bất động sản năm 2018 tiếp tục phát triển ổn định, không có nhiều biến động.
Điều này thể hiện qua số lượng giao dịch khá ổn định, giá cả không biến động nhiều so với 2017, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Tính đến tháng 11/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 22.976 tỉ đồng, giảm 105.572 tỉ đồng so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013.
Về mặt điều hành, chính sách tín dụng bất động sản hiện đang được ngân hàng kiểm soát hiệu quả. Dự nợ tín dụng đang ở mức cho phép, lãi suất được duy trì tương đối ổn định, các tổ chức tín dụng đang thực hiện lộ trình hạn chế dần cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.
Vai quản lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản ngày càng được chú trọng. Các công cụ kiểm soát thị trường như chính sách thuế, tín dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư các dự án… vẫn đang tiếp tục phát huy hiệu quả.
Trên cơ sở đó, ông Phấn dự báo thị trường bất động sản trong năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định, không có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản”. Nhưng thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.
Ông Stephen Wyatt cho biết, tính trong 9 tháng đầu năm 2018, TP.HCM có 150.000 căn hộ hoàn thành, con số này khá nhỏ so với dân số của TP.HCM khoảng 13 triệu dân. Giá bán không có xu hướng tăng cao đột ngột mà được kiểm soát tốt, chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo năm 2019, nguồn cung mới sẽ đạt mức cao. Trong đó, phân khúc căn hộ bán có khoảng 40.000 căn hộ mới, biệt thự nhà phố có khoảng 4.500 căn được đưa ra thị trường.
Vị chuyên gia này cũng dự báo, phân khúc trọng điểm trong năm 2019 vẫn sẽ là bình dân và trung cấp. Cũng chính nguồn cung nhiều ở phân khúc trung cấp và bình dân, thị trường sẽ phục vụ tốt hơn cho người mua ở thực chứ không phải nhà đầu cơ như trước đây. Giá bán sẽ được giữ ở mức ổn định, không có quá nhiều biến động.
Theo CafeLand