Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông tin về lộ trình điều chỉnh Bảng giá đất

Quy Hoach Su Dung Dat Quoc Gia

Thông qua việc lấy ý kiến về Bảng giá đất điều chỉnh, vấn đề cơ quan tham mưu trăn trở nhất cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất, đó là “cần thực hiện đánh giá tác động đối với một số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng tập trung vào việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân”…

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có văn bản cung cấp thông tin báo chí về kết quả tiếp thu ý kiến góp ý tại các hội nghị phản biện về điều chỉnh Bảng giá đất.

Theo đó, sở này cho biết thời gian qua đã cùng các đơn vị trên địa bàn TP.HCM tổ chức 04 hội nghị lấy ý kiến phản biện về dự thảo quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND quy định về Bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, hội nghị do Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức đã ghi nhận được 13 ý kiến; hội nghị do Ban Dân vận Thành ủy tổ chức đã ghi nhận được 18 ý kiến; hội nghị do HĐND TP.HCM tổ chức ghi nhận 12 ý kiến liên quan đến 33 vấn đề đặt ra; Ban Tuyên giáo Thành ủy đã triển khai cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên mạng internet đối với cán bộ và người dân đã thu thập được hơn 20.000 ý kiến góp ý.

Theo số liệu tổng hợp, các ý kiến thảo luận tại các hội nghị đều tập trung chủ yếu vào 03 vấn đề:

Thứ nhất, căn cứ pháp lý và sự cần thiết để thực hiện điều chỉnh Bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM. Đối với ý kiến này, sau khi tổ chức hội nghị, các đại biểu tham dự đã thống nhất về sự cần thiết phải điều chỉnh Bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn thành phố.

Thứ hai, lộ trình điều chỉnh Bảng giá và cân nhắc giá đất tại một số khu vực còn hạn chế về điều kiện hạ tầng, kinh tế, xã hội.

Đối với ý kiến về mặt lộ trình: theo quy định của Luật Đất đai 2024, lộ trình điều chỉnh Bảng giá đất gồm 03 giai đoạn:

Từ 01/8/2024 – 31/12/2025: Điều chỉnh Bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn thành phố theo Luật Đất đai 2024 (khoản 1 Điều 257).

Xác định mức độ, tính chất phức tạp và đối tượng tác động của Bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM, với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản theo chỉ đạo của UBND thành phố, Bảng giá đất điều chỉnh được thực hiện đúng theo trình tự quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ, gồm các bước chính:

UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức thu thập và gửi dữ liệu về giá đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đơn vị tư vấn tổng hợp, phân tích, đánh giá sự phù hợp của giá đất điều chỉnh với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn Thành phố để xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh.

Thẩm quyền điều chỉnh Bảng giá đất trong giai đoạn này thuộc về Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 và khoản 6 Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ 01/01/2026 – 31/12/2026: Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang thực hiện các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện dự án xây dựng Bảng giá đất áp dụng lần đầu từ ngày 01/01/2026 theo Luật Đất đai 2024 (khoản 3 Điều 159). Thẩm quyền phê duyệt Bảng giá đất trong giai đoạn này thuộc về HĐND TP.HCM.

Từ 01/01/2027 trở đi: Thực hiện điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01/01 của năm tiếp theo tại Luật Đất đai 2024(khoản 3 Điều 159).

Đối với ý kiến đề nghị “cân nhắc giá đất tại một số khu vực còn hạn chế về điều kiện hạ tầng, kinh tế, xã hội”: Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tiếp thu ý kiến này và chuyển cho đơn vị tư vấn để nghiên cứu, đánh giá và thực hiện việc xác định giá đất phù hợp với tình hình thực tế về giá đất cũng như phù hợp với điều kiện hạ tầng, kinh tế, xã hội tại các khu vực còn hạn chế.

Kết quả tiếp thu ý kiến góp ý và điều chỉnh giá đất tại Bảng giá đất sẽ được Hội đồng thẩm định Bảng giá đất TP.HCM xem xét, thẩm định theo trình tự.

Thứ ba, đối với việc thực hiện đánh giá tác động đối với một số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng tập trung vào việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.

Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất trong quá trình tổ chức các hội nghị và cũng là vấn đề được cơ quan tham mưu trăn trở nhất trong quá trình xây dựng văn bản.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, giá đất tại Bảng giá đất phải phản ánh được giá đất thực tế phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và quy định của Luật Đất đai 2024.

Mức thu và tỷ lệ thu đối với nghĩa vụ này sẽ được quy định tại các văn bản do cơ quan trung ương ban hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND TP.HCM báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc giao các bộ ngành có liên quan để tham mưu, xây dựng và ban hành chính sách quy định về mức thu, tỷ lệ thu cho phù hợp khi Bảng giá đất đã điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Theo VNEconomy