Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp: Đề xuất sửa luật để nâng cao hiệu quả

Các chuyên gia kinh tế đề xuất định hướng sửa Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13- gọi tắt: Luật 69) nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, nâng cao đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh.

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện, Luật 69 đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh (SXKD) tại DN. Tuy nhiên, trong giai đoạn triển khai, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đã thay đổi. Đồng thời, luật và các văn bản hưởng dẫn cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi cần sớm sửa đổi Luật này để khắc phục những bất cập, hạn chế.

Cụ thể, thời gian qua các Luật mới như Luật DN, Luật Đầu tư… đã định vị lại vị trí pháp lý về vốn nhà nước đầu tư vào DN. Thực tế cũng cho thấy có những vấn đề không được giải quyết sớm dẫn đến hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào DN không cao. Do đó, cần phải xác định đâu là vấn đề chính, nội dung thiết yếu cần sửa đổi, cần có những đột phá để thay đổi DN nhà nước.

“Mục tiêu sửa Luật 69 là nhằm thúc đẩy DN nhà nước chuyển sang hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Phải tách bạch nhiệm vụ của DN có vốn nhà nước với những DN cung cấp sản phẩm dịch vụ công thiết yếu và DN quốc phòng. Nhà nước xác định là nhà đầu tư vốn, không can thiệp vào quyết định kinh doanh của DN”, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Bình luận về những bất cập hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho  rằng, việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại DN đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều luật nhưng chưa có sự thống nhất, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện dự án đầu tư. Đặc biệt, quy định về quyền sử dụng đất trong khi đất đai là sở hữu toàn dân vẫn còn nhiều vướng mắc, chênh lệch lớn giữa giá đất do nhà nước quy định và giá đất thị trường là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực.

Dẫn khoản 3 và 8 Điều 3 Luật 69, trong đó quy định đầu tư vốn nhà nước vào DN là như thế nào, gồm những loại vốn nào…, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, khi đầu tư vào DN, thì đổi lại là thành cổ đông, thành viên và tài sản có được là số cổ phần, phần góp vốn tương ứng. Nhà nước giống như bất cứ nhà đầu tư khác đều có thể sử dụng mọi loại vốn có thể để đầu tư.

“Khi đã đầu tư, lấy sở hữu cổ phần và phần góp vốn, thì sau đó, tất cả là của DN; DN mua sắm tài sản, và trong bảng cân đối kế toán tương ứng với tài sản là nợ, tức là vốn của DN. Quy định hiện hành làm lẫn lộn và không phân biệt được về mặt pháp lý tài sản của DN và tài sản nhà nước…”, ông Cung nói.

Hay như, khoản 9 Điều 3 Luật 69 nêu, vốn của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của DN và vốn do DN huy động, chuyên gia này cho rằng vốn của bất kỳ DN nào cũng như vậy, (không chỉ là DN do nhà nước “nắm giữ” 100% vốn điều lệ) đều gồm vốn cổ phần (ta hay gọi vốn chủ sở hữu) và vốn vay  dưới các hình thức khác nhau. Trong DN, thì chỉ có vốn DN mà không có vốn nhà nước tại DN.

Đơn cử như việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN phải tuân thủ tất cả các quy định pháp luật có liên quan chứ không chỉ pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Nếu có quy hoạch, thì đầu tư của tất cả thành phần kinh tế đều phải tuân thủ, chứ không phải chỉ đầu tư nhà nước. Hay như công khai minh bạch là về tất cả các vấn đề liên quan chứ không phải chỉ trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn…

Theo TS Cung, cần thay đổi đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước theo các nguyên tắc thị trường. Theo đó, phải đánh giá dựa trên giá trị gia tăng của vốn đầu tư và cổ tức, lợi nhuận được chia hàng năm. “Phải quay về, hiểu đúng và áp dụng trúng các khái niệm cơ bản của kinh tế thị trường”, ông Cung nhấn mạnh.

“Dưới góc độ DN nhà nước tại Việt Nam, chúng tôi khảo sát thấy có quá nhiều kênh phải báo cáo khác nhau. Cụ thể là có tới 5 quy định khác nhau liên quan đến báo cáo của DN nhà nước và việc này đã làm tăng chi phí quản lý… Sửa đổi Luật 69 phải trao sự linh hoạt cho cấp quản lý DN cũng như tăng trách nhiệm của họ. Phải trao quyền cho Hội đồng quản trị nhưng họ cũng phải chịu trách nhiệm giải trình..,” ông Fabian Seiderer – Chuyên gia lãnh đạo khu vực công của WB.

Theo Thanh Thanh

Báo Pháp luật